Helsinki PHAN LAN

7 tính cách và lối sống của người Phần Lan (phần 1)

Chúng ta không phải là người Thụy Điển, chúng ta không muốn là người Nga, chúng ta hãy là người Phần Lan.

Adolf Ivar Arwidsson
(1791-1858)

Phần Lan là một đất nước xinh đẹp và yên bình nằm ở bán đảo Scandinavia, phần phía Bắc châu Âu. Nước này được ví như Ngôi sao phương Bắc bởi những thành tựu về văn hoá cũng như kinh tế. Phần Lan có dân cư thưa thớt nhưng lại có nền văn học có giá trị và có tính quốc tế cao.

Trong bài viết này, cùng Phố Ẩm Thực khám phá 7 nét tính cách và lối sống của người Phần Lan nhé!

Sisu

Sisu là từ có nghĩa trừu tượng trong tiếng Phần Lan và được coi rất khó dịch sang tiếng nước ngoài. Trong bài phát biểu nhân dịp kỉ niệm 60 năm (1955-2015) Phần Lan gia nhập Liên hiệp quốc tại Helsinki tháng 12.2015, Tổng thư kí Liên hiệp quốc Ban Ki Moon đã nói: “I am inspired by a Finnish word I learned – “Sisu”. (tạm dịch: Tôi được truyền cảm hứng bởi một từ tiếng Phần Lan mà tôi đã học được – Sisu).

Ông cho rằng, “Mặc dù nó có thể khó dịch, song tôi hiểu rằng sisu chỉ sự kiên quyết, quả cảm – một nghĩa của sự kiên trì và dũng cảm đương đầu với khó khăn. Liên Hiệp Quốc cần Phần Lan và tinh thần sisu của Phần Lan”.

Nhiều người Phần Lan cũng công nhận sisu là khái niệm rất khó giải thích được một cách rõ ràng mặc dù nói đến từ đó người Phần Lan nào cũng hiểu. Sisu là sự kết hợp giữa bản lĩnh và ý chí kiên quyết, sự bền bỉ, cứng rắn, can đảm và kiên cường không chịu khuất phục của người Phần Lan để giành chiến thắng trong khi người khác đành bỏ cuộc.

Sisu là cái gì đó tiềm ẩn ở bên trong, là sức mạnh tinh thần được kết tinh lại từ điều kiện địa lý, thiên nhiên và lịch sử của dân tộc Phần Lan, nhưng mãi đến đầu thế kỷ 20 từ này mới được coi như một nét đặc trưng của tính cách Phần Lan. Có lẽ cùng với sauna, sisu là hai từ tiêu biểu nhất để nói về người Phần Lan.

Gần đây nhất, một ngày trước khi Saara Aalto, thí sinh người Phần Lan được vào vòng chung kết cuộc thi âm nhạc truyền hình nổi tiếng X-Factor của Anh năm 2016, trở lại London tham dự đêm chung kết, tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö đã viết trên facebook của ông: “Chúc mừng thành công của Saara “Sisu” Aalto. Cô đã làm được một việc tuyệt vời! Và Phần Lan đã được biết đến nhiều hơn”.

Helsinki PHAN LAN
Helsinki, Phần Lan

Nếu không có một ý chí kiên quyết, một nguồn sức mạnh tinh thần cứng rắn, người Phần Lan khó có thể chống chọi được với mùa đông khắc nghiệt, kéo dài nhiều khi lạnh tới -30, -40˚C hay “thưởng thức” cái nóng 80 đến 100˚C trong sauna mỗi tuần. Nhờ sisu mà người Phần Lan đã đương đầu với các cuộc chiến tranh vệ quốc, bảo vệ được dân tộc nhỏ bé của mình trước sự đồng hoá của các dân tộc lớn hơn và giữ vững nền độc lập của mình.

Cũng với tinh thần sisu người Phần Lan đã khéo léo từ chối sự trợ giúp của Mỹ sau chiến tranh Thế giới thứ hai trong Kế hoạch Marshall, tự lực tự cường vượt qua nghèo khó và vươn lên thành một quốc gia dẫn đầu thế giới trên nhiều lĩnh vực trong một khoảng thời gian chỉ hơn nửa thế kỷ gần đây.

Các nhà nghiên cứu Phần Lan cho rằng các dân tộc khác cũng có sisu, song sisu của Phần Lan có đặc trưng riêng là cứng nhắc và khó thay đổi. Vì thế, bên cạnh tính tích cực chiếm ưu thế, sisu cũng mang nét nghĩa tiêu cực, chỉ sự bướng bỉnh, không vâng lời người khác ở trẻ em và điều đó nhiều khi cũng không tốt.

Trung thực và Minh bạch

Người Phần Lan nổi tiếng trung thực và minh bạch. Năm 2011, Helsingin Sanomat (Thời báo Helsinki) – nhật báo lớn nhất Phần Lan – tiến hành một cuộc thăm dò quan niệm của người Phần Lan về những vấn đề thuộc đạo đức trong cuộc sống.

Rất nhiều câu hỏi được nêu ra, từ chuyện trốn thuế, nói dối bạn bè hay người yêu đến bạo lực gia đình, từ chuyện ăn cắp vặt đến quan niệm hôn nhân… Kết quả nhận được cho thấy 85% trong số 1.000 người tham gia thăm dò cho rằng: không ốm mà nói ốm để nghỉ việc là điều tồi tệ nhất trong tất cả những điều được hỏi.

Tiếp theo là hối lộ, hút thuốc lá có chất gây nghiện, trốn thuế và không trung thành với người yêu. Trên tàu điện và metro ở Phần Lan không có người soát vé và khách có thể đi không cần vé. Nhưng chỉ có 29% người cho rằng có thể đi mà không mua vé nếu điều kiện bắt buộc, trong số đó chỉ có 25% người từng có lần làm như vậy. 25% người cho rằng có thể chấp nhận được việc nói dối vợ/chồng hay người yêu, nhưng chỉ có 22% từng cư xử như vậy.

Năm 2013, nhiều hãng truyền thông trên thế giới đồng loạt đưa tin: Helsinki là thành phố trung thực nhất thế giới dựa trên một cuộc thử nghiệm do tờ báo Reader’s Digest tiến hành. Họ giả vờ đánh rơi 12 chiếc ví ở 16 thành phố thuộc 16 nước khác nhau. Kết quả là Helsinki dẫn đầu với 11 chiếc ví được trả lại nguyên vẹn.

Cũng vào thời gian này một người quen của tôi đã đưa lên facebook của chị một tấm ảnh chụp tờ 20 euro kẹp với một mảnh giấy đính ở bảng tin nơi chân cầu thang của một nhà cao tầng ở Helsinki, trên đó viết: 20 euro này nhặt được ở cầu thang, giữa tầng 1 và tầng 2 ngày 11.9, lúc 18:30. Điều ấy đã đủ nói lên sự thật thà rất đáng quý của người dân. Trong mục Chân dung văn hóa, báo Telegraph (Anh) viết về Phần Lan: Người Phần Lan tin rằng họ là những người trung thực nhất, nhất là với những cam kết về kinh tế.

Các thống kê của EU đã minh chứng cho điều này, như một khảo sát gần đây cho thấy các công ty Phần Lan thường thanh toán các hóa đơn của họ trong vòng 23 ngày, trong khi các công ty Italia phải mất 90 ngày”.

Sự trung thực đó là nền tảng, chỗ dựa cho thành công của giáo dục Phần Lan. Nhờ thế nên trường học không có thanh tra, giám sát, không cần chấm điểm từ lớp 1 đến lớp 6 (chỉ cần nhận xét bằng lời hoặc qua văn bản cuối năm). Học sinh, phụ huynh, các cơ quan quản lý giáo dục và cả xã hội đều tin tưởng vào sự đánh giá của giáo viên và trao cho giáo viên quyền tự chủ rất lớn trong việc trồng người của họ.

Suốt 12 năm học chỉ có một kỳ thi hết phổ thông. Thế nhưng chất lượng giáo dục phổ thông của nước này vẫn đứng đầu thế giới và khi ra trường học sinh Phần Lan dễ dàng hội nhập với nhu cầu của cuộc sống.

Với bản tính trung thực như vậy nên chính phủ Phần Lan luôn đứng ở top đầu (từ 1- 3) trong các chính phủ ít tham nhũng nhất trong các báo cáo tham nhũng của Tổ chức Minh bạch thế giới từ năm 2010 đến 2015. Theo nghiên cứu mới đây “Better life Index” của OECD, 94% người dân Phần Lan hài lòng với cuộc sống ở đất nước mình và 94% tin rằng họ tìm được người tin tưởng khi cần thiết, trong khi tỉ lệ trung bình của các nước OECD là 88%.

Trước những năm 2000, hiện tượng trộm cắp ở Phần Lan rất hiếm. Xe đạp, đồ đạc để ngoài đường, kể cả ở các thành phố lớn, hầu như không có khóa mà cũng ít khi bị mất. Năm 2014, một nhóm nghệ nhân âm nhạc dân gian người Ê Đê sang Phần Lan tham dự liên hoan âm nhạc dân gian quốc tế Sommelo ở phía bắc Phần Lan cho tôi biết họ ấn tượng nhất khi đến đây là thấy nhà cửa của người Phần Lan không liền nhau, không có cổng, nếu có cổng không có khóa và môi trường rất giống với làng bản của người Ê Đê, Ba Na.

Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng mất cắp vặt đã xảy ra nhiều dần lên, nhưng phần lớn bắt gặp với người gốc nước ngoài.

>>Du lịch Albania: 12 địa điểm và hoạt động hấp dn nhất

Kín đáo và Kiệm lời

Khác với các dân tộc miền nam châu Âu, cũng như với những người láng giềng Thụy Điển, Đan Mạch hay Na Uy, người Phần Lan nổi tiếng về sự ít nói. Họ rất ít khi bắt chuyện với người lạ hay khơi mào các cuộc trò chuyện khi đối thoại cũng như giữa đám đông. Nhưng khi đã quen biết đến một mức độ nào đó, họ có thể trao đổi về mọi vấn đề, nhất là chia sẻ sở thích.

Trong văn hóa giao tiếp của người Phần Lan không có những câu xã giao, mở đầu cho cuộc giao tiếp kiểu “small talk” như của người Anh hay như kiểu “miếng trầu là đầu câu chuyện” của người Việt. Lối nói “rào trước đón sau” như trong văn hoá của người Việt lại càng không có. Vốn dĩ kiệm lời nên người Phần Lan chỉ nói những điều họ nghĩ và thấy cần phải nói, còn không, họ chỉ im lặng và nghe. Khi nói, ngay cả với tiếng mẹ đẻ của mình, người Phần Lan cũng nói nhỏ nhẹ và chậm rãi.

Người băng (Ice Man), vận động viên đua xe Formula One (F1) Kimmi Räikönen là một điển hình cho tính kiệm lời và nói năng đủng đỉnh đó.

Khác với nhiều dân tộc ở châu Âu, khi gặp nhau người Phần Lan không ôm nhau hay hôn má, hôn tay. Cử chỉ bắt tay hay cúi đầu khi gặp nhau cũng chỉ mới xuất hiện sau này.

tính cách và lối sống của người Phần Lan
cố đô Turku PHẦN LAN

Tục ngữ Phần Lan có câu: “Sanasta miestäsarvesta härkää.” nghĩa là: “đánh giá người đàn ông dựa vào lời nói, đánh giá con bò nhìn vào cặp sừng”. Với quan niệm như vậy nên người Phần Lan coi trọng lời nói. Theo cách nhìn của họ, người nói nhiều là người có vấn đề và đáng nghi ngờ.

Có câu chuyện vui kể rằng, hai người đàn ông Phần Lan lâu ngày mới gặp nhau liền rủ nhau vào một quán bia. Họ gọi mỗi người một cốc bia và uống. Sau một hồi im lặng, một trong hai người lên tiếng. Nhưng người kia hưởng ứng lại với lời khuyên: hãy thưởng thức bia của anh đi, chúng ta vào đây để uống bia chứ không phải để nói chuyện! Lại có chuyện khác kể rằng một người vợ Phần Lan luống tuổi một lần “làm nũng” hỏi chồng: “anh còn yêu em không?” Người chồng trả lời: “Sao em lại hỏi thế? Nếu không yêu nữa thì anh đã nói với em!”.

Richard D. Lewis, một chuyên gia về văn hoá Phần Lan, đã có nhận xét dí dỏm: “Người ta thường cho rằng miệng là cơ quan bận rộn nhất trên cơ thể con người. Nhưng đối với người Phần Lan, miệng ít khi dùng trừ ăn và uống” (Lewis, 2005).

Trong cuốn sách “Lost in Finland” một giáo viên người Mỹ dạy tiếng Anh ở Phần Lan kể: một hôm khi đi dọc hành lang của trường mình anh nhìn thấy một đồng nghiệp nữ đang đứng bên chiếc máy photocopy phía trước. Cô nhìn anh và hai người chào nhau. Chợt anh nhớ ra quên gì đó liền quay lại để lấy. Chừng nửa phút sau anh trở lại hành lang. Cô giáo kia vẫn loay hoay bên chiếc máy photocopy. Cô ngước lên nhìn anh và anh rất thản nhiên chào cô.

Thay vì chào lại anh lần nữa, cô ta liếc nhìn anh và nói: “Anh vừa chào tôi rồi mà”. Anh ta rất lấy làm ngạc nhiên, vì ở Mỹ anh có thể chào đồng nghiệp hay người quen 4, 5 lần mỗi ngày là chuyện bình thường và nếu họ không chào lại, anh sẽ thấy áy náy không biết mình có xúc phạm gì họ không. Một hôm, anh kể lại chuyện chào cô giáo nọ và bảo có vẻ như cô ấy tỏ ra bị xúc phạm, một số đồng nghiệp của anh gật đầu chia sẻ với cô ấy.

Còn một đồng nghiệp khác bộc bạch rằng cô ta thấy anh là người “chào hơi bị nhiều” (overgreeter), song không nói ra.

Anh ta hỏi: “Tại sao cô không bảo với tôi?”

Cô giáo này đáp: “Anh là trường hợp đặc biệt, vì anh là người Mỹ”! (Walker 2016).

Người Phần Lan rất thích sự yên tĩnh và cô đơn. Điều này thể hiện ở con số hơn nửa triệu kesämökki (nhà nghỉ mùa hè) ẩn giấu dưới rừng cây ven hồ và ven biển. Mökki càng ở xa tầm nhìn của hàng xóm càng được ưa thích. Nếu có dịp đi các phương tiện giao thông công cộng ở Phần Lan bạn sẽ nhận thấy điều mà tôi đã chứng kiến sau nhiều lần từng đi tàu, xe ở Phần Lan: người Phần Lan không bao giờ ngồi cạnh người khác, nếu không phải là vợ chồng, bạn bè hay quen biết nhau, trừ khi không còn chỗ trống.

Thậm chí khi đang ngồi cạnh một người khác ở chỗ này, thấy có hai ghế trống cạnh nhau ở chỗ khác vì có người vừa xuống, họ sẽ chuyển đến ngồi ở chỗ trống này như để cho người mà họ đã ngồi cạnh được tự do, thoải mái. Khi buộc phải ngồi cạnh người khác họ cũng không nói chuyện với nhau mà mỗi người im lặng theo cách của mình hoặc dán mắt vào một cuốn sách đem theo hoặc một tờ báo sẵn có trên tàu xe.

Những người lái taxi Phần Lan cũng rất ít nói. Họ chỉ hỏi khách đi đâu và cảm ơn khi khách thanh toán tiền, còn thì im lặng trong suốt chặng đường nếu như khách không hỏi gì. Tập quán “bắt chuyện” như của người Việt hoàn toàn xa lạ với người Phần Lan.

Trong cuốn sách “Finland, Cultural Lone Wolf”Richard D. Lewis kể: “Một đêm, khi lên xe buýt, tôi ngạc nhiên thấy hai người đàn ông ngồi cạnh nhau mặc dù những chỗ khác không có người ngồi. Trông họ như những người xa lạ vì không ai nói chuyện với ai và người ngồi sát phía cửa sổ cứ nhìn ra ngoài. Tôi đến ngồi ở hàng ghế trước và nói một vài câu về thời tiết với người thứ hai. Ông ta nhìn tôi mỉm cười rồi giơ tay trả lời bằng tiếng Italia rằng ông ta không nói tiếng Phần Lan, ông ta là người Italia!”.

R.D. Lewis còn nhận xét: “Có thể gọi người Phần Lan là những người sống trong rừng, ít đi ra ngoài và coi trọng sự riêng tư của họ” (Lewis, 2005).

Gần đây, trên facebook, một tài khoản có tên Finnish Nightmares (Ác mộng Phần Lan) có những hình vẽ rất đơn giản và ngộ nghĩnh phác họa những nét điển hình về tính cách và lối sống của người Phần Lan. Một trong những hình vẽ được nhiều người yêu thích nhất là hình vẽ một người Phần Lan ghé mắt qua lỗ hổng có gắn “ovisilmä” (mắt cửa) ở cánh cửa để nhìn xem ngoài hàng lang có ai không trước khi mở cửa ra ngoài.

Hình vẽ đó đã nói lên tính e lệ, ngại ngùng, không thích giáp mặt với người khác, không thích những chỗ đông người, rất tiêu biểu của người Phần Lan.

Quả thật, trầm lặng và kiệm lời là một điều rất quan trọng trong giao tiếp của người Phần Lan. Càng lên phía bắc, nơi người dân sống càng thưa thớt, sự kiệm lời càng thể hiện rõ hơn. Một lần gia đình chúng tôi đi cùng vợ chồng một nữ giáo sư văn học Phần Lan lên Rovaniemi thăm nhà ở và nơi làm việc của Ông già Noel. Từ trung tâm thành phố đến chỗ ở của Santa Claus còn cách 9, 10 cây số nên chúng tôi phải đi taxi.

Đợi một lúc không thấy chiếc taxi nào quanh bến đỗ dành cho taxi, bà giáo sư điện thoại tới số máy ghi trên tấm biển quảng cáo ở điểm chờ taxi. Sau khi gọi xong, bà vừa tắt điện thoại vừa chậm rãi nhại lại nguyên văn câu nói của người trả lời: “Selvä” (rõ). Rồi vị giáo sư đại học người Phần Lan, vốn là người miền bắc và nhiều năm dạy đại học Oulu, vừa tủm tỉm cười vừa nói với chúng tôi: “Đúng là ngôn ngữ giao tiếp của người miền bắc. Không thể ngắn hơn được nữa!”

Một trong 10 tiêu chí để nhận diện tính cách người Phần Lan được báo Helsingin Sanomat (nhật báo lớn nhất Phần Lan) nêu ra có viết: “Nghe tiếng nói chuyện to trên tàu điện, ngay lập tức nghĩ đó là người nước ngoài hay kẻ say.”

Tính kiệm lời và yêu thích sự yên tĩnh, cô đơn của người Phần Lan bắt nguồn từ điều kiện địa lý và xã hội của đất nước này. Diện tích đất đai rộng, mật độ dân cư thưa thớt, lại thêm mùa đông lạnh và tối kéo dài nên các hoạt động ngoài trời và thu hút đông người không thể phong phú như các nước phương nam.

Thêm vào đó, tiếng Phần Lan lại là một ngôn ngữ rất ngắn gọn và cô đúc. Nhiều cụm từ và câu trong các tiếng khác được diễn đạt chỉ bằng một từ hoặc một cụm từ trong tiếng Phần Lan (chẳng hạn: ammattikorkeakoulu tương đương với “trường đại học khoa học ứng dụng” trong tiếng Việt hay university of applied science trong tiếng Anh, hay ammattikorkeakouluopiskelijayhdistysten liitto có nghĩa là “Liên minh các hội sinh viên các trường đại học khoa học ứng dụng” trong tiếng Việt.

Coi trọng tự do và sự riêng tư

Một cô gái Phần Lan đã viết trên một website rằng “nếu bạn là người Phần Lan, bạn có thể nói rằng “người già cần được kính trọng” nhưng bạn biết là bạn không phải vâng lời bố mẹ mình, ít nhất khi bạn tròn 18 tuổi”. Thật vậy, ở Phần Lan quyền tự do cá nhân của mọi người, người lớn cũng như trẻ em đều được tôn trọng như nhau. Trẻ em có quyền nghĩ và làm theo ý của mình dù điều đó trái với ý kiến của cha mẹ. Người lớn, kể cả cha mẹ nếu đánh trẻ em đều bị coi phạm pháp luật và có thể bị truy tố.

tính cách và lối sống của người Phần Lan
Pháo đài đảo Suomenlinna, Phần Lan

Trong gia đình, trường học cũng như ngoài xã hội ở Phần Lan, người ta không dạy trẻ em phải vâng lời người khác. Họa sĩ, nhà văn nổi tiếng Tove Jansson đã viết qua lời của nhân vật Muikunen trong bộ truyện Mumi rằng: “Nếu thần tượng người nào đó quá mức thì sẽ mất hết tự do!” hay như tính cách của loài Hattivati, cư dân Thung lũng Mumi: “Họ đã thỏa thuận là sẽ không quá lo lắng về nhau để cho người khác yên tâm và được tự do nhiều nhất trong khả năng có thể” (Jansson, 1962).

Người Phần Lan coi trọng tự do cá nhân của mình nên cũng rất tôn trọng tự do của người khác, thậm chí tôn trọng đến mức thái quá theo cách nhìn của người Việt. Điều này không phải chỉ khác xa với lối sống truyền thống “tắt lửa tối đèn” hay “bán anh em xa mua láng giềng gần” của người Việt Nam mà cả với một số dân tộc khác. Ba năm sống ở Budapest, gia đình tôi và một số gia đình người Hung ở cạnh không chỉ qua lại chuyện trò mà thỉnh thoảng còn trao đổi món ăn cho nhau.

Nhưng sau 14 năm ở trong ba căn hộ của ba toà nhà cao tầng tại hai thành phố lớn nhất nhì của Phần Lan là Helsinki và Espoo mà chúng tôi chỉ biết được tên của người ở các căn hộ bên cạnh qua tấm biển gắn trước nhà họ và thi thoảng mới gặp nhau ở cầu thang thì cũng chỉ trao nhau lời chào chứ chưa bao giờ vào nhà nhau.

Mà không chỉ với người nước ngoài, ngay cả người Phần Lan với nhau như người bạn Phần Lan mà tôi đã nói đến trong cuốn sách này cũng cho biết chị đã sống trong căn hộ của mình ở Helsinki gần 30 năm nay nhưng không biết hết được những người sống trong cùng cầu thang với chị nếu như chị không có chân trong ban quản lí của toà nhà!

Ví dụ điển hình cho tính độc lập trong tính cách của người Phần Lan mà tôi được chứng kiến là một lần truyền hình Phần Lan phát chương trình giới thiệu một buổi đi học ngoài trời của các cháu học sinh một trường tiểu học. Khi dẫn các cháu đến xem một nhà vệ sinh, cô giáo hỏi một bé trai chừng 8 hay 9 tuổi:

“Ở mökki (nhà nghỉ mùa hè) của gia đình cháu có nhà vệ sinh không?”

Cháu bé trả lời “Có.”

“Mấy cái?” – cô giáo hỏi tiếp.

“Ba cái!” – Cháu bé đáp.

Cô giáo cười hỏi: “Vì sao lại có ba cái?”

Cậu bé cũng cười và đáp lại rất hồn nhiên: “Vì nhà cháu có ba người!”.

Nhiều căn hộ ở thành phố, khu dân cư ba phòng trở lên ngày nay cũng có hai, ba nhà vệ sinh. Không hiểu trước đây khi kinh tế còn khó khăn thì thế nào, chứ ngày nay tôi có cảm nhận hình như trong cuộc sống hàng ngày người Phần Lan rất ít khi vay mượn từ người khác! Quyền tự do của giáo viên rất được tôn trọng ở Phần Lan. Vì điều này, Sahlberg đã viết “Nhiều người nói thẳng với tôi rằng nếu họ mất quyền tự chủ nghề nghiệp ở trường và trong lớp học thì họ sẽ đặt chấm hỏi với nghề nghiệp của mình”.

Nhưng độc đáo nhất và có lẽ chỉ có ở Phần Lan là trường hợp một người đàn ông 56 tuổi có vợ, ba con và một số người tình, nằm chết trên giường trong một căn hộ ở tầng ba của thủ đô Helsinki từ năm 1994, nhưng mãi đến năm 2000 (tức 6 năm sau) mới được những người thợ lắp thiết bị báo cháy cho căn hộ này phát hiện.

Năm 2006 (sau 6 năm được phát hiện) báo Helsingin Sanomat online đã đăng lại bài điều tra về cái chết của người đàn ông này với một tiêu đề “Người lang thang: cuộc sống chỉ các nhà chức trách quan tâm, nhưng cái chết thu hút sự chú ý của mọi người”. Quả thật, cái chết của người đàn ông này đã nói lên rất nhiều điều của xã hội Phần Lan hiện đại.

Trong 6 năm liền, cơ quan an sinh và phúc lợi xã hội quốc gia (KELA) vẫn cấp tiền trợ cấp thu nhập đều đặn cho ông ta, song vì ông ta là người nghiện ngập và nhiều lần xin trợ cấp thêm từ KELA, nên hàng tháng KELA đã tự động trả các khoản tiền thuê nhà, điện, nước, vệ sinh “giúp” ông ta. Trong 6 năm liền, không người thân, bạn bè hay láng giềng nào mở cửa nhà ông. Nếu như không vì phải lắp hệ thống báo cháy cho căn hộ của ông ta thì chắc hẳn ông vẫn còn “ngủ yên” trên giường lâu hơn nữa!

Người ta biết được ông chết đã 6 năm nhờ vào ngày tháng ghi trên hộp đựng đồ ăn uống còn lại trong tủ lạnh và các ấn phẩm bưu điện, báo quảng cáo.

Minh chứng rõ nhất cho tính cách của người Phần Lan là ở các bến xe, bến tàu hay trên các phương tiện giao thông. Khi chờ tàu, xe, bao giờ người ta cũng đứng cách nhau một khoảng nhất định. Còn ở trong xe, tàu, họ chỉ ngồi ghế bên cạnh người khác khi chỗ khác không còn ít nhất hai ghế trống liền nhau.

Gần đây một tấm ảnh chụp cảnh một nhóm người đang đứng chờ xe buýt tại một bến xe ở thủ đô Helsinki đã thu hút sự chú ý và bình luận của rất nhiều người. Bất chấp trời tối, gió thổi mạnh, tuyết rơi dày nhưng hàng chục người vẫn đứng cách xa nhau mỗi người khoảng nửa mét để chờ xe buýt trong cái lạnh dưới -20°C. Tính cách này còn thể hiện trong khi gặp gỡ nhau, người Phần Lan chỉ bắt tay và nhìn vào mắt nhau là đủ, chứ không ôm hôn nhau hay hôn tay như một số dân tộc khác ở châu Âu.

Ba trong 10 điều nói về tính cách người Phần Lan mà báo Helsingin Sanomat liệt kê, là với họ:

  • “ – Ôm nhau là khúc dạo đầu của yêu đương”
  • “ – Hôn má là miễn cưỡng và chỉ được làm ở chỗ riêng tư”
  • “ – Ai đó bắt chuyện với mình ở trong tiệm là tán tỉnh mình”

(còn tiếp)

>>7 tính cách và lối sống của người Phần Lan (phần 2)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

DMCA.com Protection Status