Trích Hồi kí của La Quý Ba
Bài viết “Trái ớt trong bữa cơm của Hồ Chủ tịch với 4 lãnh tụ Trung Quốc” trích từ Hồi kí của La Quý Ba, Trưởng đoàn cố vấn, đồng thời là đại sứ đầu tiên của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại nước ta khi đó là Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Nguyên bản bài viết mang đầu đề: “Mẫu mực sáng ngời của chủ nghĩa quốc tế vô sản“.
Độc giả xin chú ý:
- Đại từ xưng hô “tôi” là tác giả La Quý Ba.
- Bài viết có chỉnh sửa cách gọi tên cho phù hợp. Ví dụ: “Hồ Chí Minh” thành “Chủ tịch Hồ Chí Minh” hoặc Hồ Chủ tịch cho phù hợp ngữ âm, ngữ cảnh…

“Mùa đông năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa bí mật đến Bắc Kinh thăm Trung Quốc.
Một hôm tôi tháp tùng Người đến Di Niên đường trong Phong Trạch Viên. Khi chúng tôi bước vào, Mao Chủ tịch, đồng chí Thiếu Kỳ, Chu Thủ tướng, Chu Tổng tư lệnh đều ra đón, họ ôm hôn nhau thắm thiết. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lần lượt quen biết Mao Chủ tịch, đồng chí Thiếu Kỳ, Chu Thủ tướng, Chu Tổng tư lệnh ngay từ trong thời kỳ chiến tranh cách mạng trong nước lần thứ nhất và thời kì chiến tranh chống Nhật ở Trung Quốc.
Người nói tiếng phổ thông với khẩu âm Quảng Đông rất lưu loát, có thể không cần phiên dịch. Trong trường hợp này không có chút hình thức ngoại giao nào, Hồ Chủ tịch thân thiết, nhiệt tình như về nhà mình.
Người gặp Mao Chủ tịch như anh em xa cách lâu ngày, thăm hỏi lẫn nhau, nói rất say sưa, rồi chuyển nhanh sang vấn đề chính. Chủ tịch Hồ Chí Minh giới thiệu tóm tắt tình hình chiến tranh Việt Nam chống Pháp, tình hình xây dựng căn cứ địa, tình hình cố vấn Trung Quốc làm việc tại Việt Nam. Chu Thủ tướng, Chu Tổng tư lệnh cũng giới thiệu tóm tắt với Hồ Chủ tịch tình hình chiến trường Triều Tiên và tình hình liên quan trong nước Trung Quốc.
Trong trao đổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi Mao Chủ tịch: “Bộ Chính trị Trung ương chúng tôi yêu cầu đồng chí La Quý Ba khi tham gia hội nghị Bộ Chính trị Trung ương chúng tôi nêu nhiều ý kiến về các mặt công tác của chúng tôi, giúp đỡ nhiều cho chúng tôi. Nhưng đồng chí quá thận trọng, quá khiêm tốn. Tôi mong các đồng chí giao cho đồng chí ấy nhiệm vụ nêu nhiều ý kiến. Mao Chủ tịch, các đồng chí có đồng ý không?”.
Mao Chủ tịch nói: “Chúng tôi đồng ý, nhưng ý kiến hoặc kiến nghị của đồng chí ấy nêu ra với các đồng chí chỉ để các đồng chí tham khảo, các đồng chí cho rằng đồng chí ấy nói đúng thì áp dụng, không đúng thì không áp dụng, do các đồng chí tự quyết định ”.
Khi Mao Chủ tịch và Hồ Chủ tịch trao đổi với nhau, cách nhìn, quan điểm và ý tưởng đối với một số vấn đề đều hoà hợp như là câu chuyện trong gia đình, xem như tán gẫu, nhưng suy nghĩ kỹ thấy ý nghĩa sâu sắc, đậm đà hương vị. Hồ Chủ tịch là người rất giàu tình cảm, nhìn thấy rõ Người bị truyền cảm bởi sự chân thành của Mao Chủ tịch, Người đứng dậy nói: “Tôi và các đồng chí Việt Nam đều cảm nhận thấy sự chân thành giúp đỡ chúng tôi từ trong hành động của các đồng chí ”.
Đến giờ ăn cơm, Mao Chủ tịch, Hồ Chủ tịch, đồng chí Thiếu Kỳ, Chu Tổng tư lệnh đi vào phòng ăn. Chu Thủ tướng xin về trước vì có hoạt động đối ngoại. Phòng ăn và phòng tiếp khách ngăn cách bằng tấm bình phong, chỉ đi bảy, tám bước là đến. Phòng ăn chỉ đủ kê hai chiếc bàn, lúc này chỉ kê một bàn ăn. Mao Chủ tịch, Hồ Chủ tịch, đồng chí Thiếu Kỳ, Chu Tổng tư lệnh vừa ăn vừa tiếp tục trao đổi. Người này một câu, người kia một câu, nói xen lẫn nhau, bổ sung cho nhau, trò chuyện rất say sưa, sôi nổi.
Giữa bữa ăn, Hồ Chủ Tịch thấy đưa ớt lên, liền nói với Mao Chủ tịch : “Nghe đồng chí Quý Ba giới thiệu Mao Chủ tịch rất thích ăn ớt, không có ớt thì không thể nuốt nổi cơm phải không?”. Mao Chủ tịch cười. Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nói tiếp : “Người Việt Nam chúng tôi cũng thích ăn ớt, ớt của chúng tôi không to như ớt Trung Quốc, giống như cây con, cao một hai mét, trái nhỏ chỉ lên trời, ăn vào thật là cay ”.
Sau khi mọi người hứng thú nghe Hồ Chủ tịch kể xong ớt chỉ thiên ở núi rừng Việt Bắc, Mao Chủ tịch nói : “Thích ăn ớt không phải chỉ một mình tôi, đồng chí Thiếu Kỳ và tôi là người Hồ Nam, người Hồ Nam thích ăn ớt; Chu Tổng tư lệnh là người Tứ Xuyên, người Tứ Xuyên ăn ớt cũng rất dữ ; đồng chí này (chỉ tôi) là người Giang Tây cũng ăn ớt, người Vân Nam gần các đồng chí cũng thích ăn ớt. Nhưng những người ăn ớt như chúng ta, cách ăn mỗi người có một đặc sắc, cách làm cũng có khác nhau.”
Chủ đề tiếp theo là mỗi người tự giới thiệu cách pha chế ớt của quê hương mình. Nhưng mọi người thích thú nhất là cách ăn ớt của Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Bỏ ớt chỉ thiên vào lọ nước mắm (nước mắm là một loại xì dầu của người Việt Nam chế ra) pha thêm một ít chanh, cùng ăn.” Lúc này Mao Chủ tịch nói : “Chúng tôi ăn ớt thành thói quen, nhưng không phải thói quen do tập tục quê hương tạo nên.
Đó là năm 1932 đến 1934, khu Xô Viết Trung ương bị Quốc dân đảng phong toả kinh tế, căn bản không có muối ăn. Để kiếm được một ít muối ăn, không ít đồng chí chúng tôi đã phải trả giá rất đắt; thậm chí hy sinh tính mạng của mình, lúc đó thật là gian khổ. Không có muối, ăn cơm mới khó làm sao! Tôi cũng như mọi người lấy ớt thay muối, ăn cơm bằng ớt không có muối có thể coi là rau ngon vậy”.
Bao nhiêu năm đã trôi qua, tôi không bao giờ quên câu chuyện về ớt lần ấy.


Về La Quý Ba
Ông là cố vấn trưởng, đại sứ đầu tiên của Trung Quốc ở Việt Nam. Ông từng được Bác cử người đem rượu và bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt tặng khi đang thực hiện giúp Việt Nam công tác chính trị và tổ chức. Bài thơ như sau:
- Dịch âm Hán – Việt:
Nghênh xuân vô biệt soạn
Vi hữu tửu số tôn
Thỉnh nhĩ môn nhất túy
Cộng độ thắng lợi xuân.
- Dịch nghĩa:
Đón xuân, không sắm sửa gì đặc biệt
Chỉ có mấy chén rượu (này thôi)
Xin các anh hãy say một cuộc
Cùng mừng xuân thắng lợi (với tôi)!
- Dịch thơ:
Tết này không sắm sửa
Dăm chén rượu làm vui
Say đi nào các bạn
Mừng thắng lợi cùng tôi.
(ĐỖ TRUNG LAI dịch)
>>Trung Quốc đánh bại Mexico ngay tại Mĩ như thế nào?
>>Tại sao Trung Quốc tích cực mang giống cây trồng lên Vũ Trụ?
Trả lời