Bọn khủng bố là bậc thầy điều khiển tâm trí. Chúng sát hại rất ít người nhưng vẫn khiến hàng tỷ người khiếp sợ và làm lung lay các cấu trúc chính trị khổng lồ như Liên minh châu Âu hay Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.

Chúng sát hại rất ít người
Từ ngày 11 tháng Chín năm 2001, mỗi năm, bọn khủng bố giết khoảng 50 người ở châu Âu, khoảng 10 người ở Mỹ, khoảng 7 người ở Trung Quốc và khoảng 25.000 người trên toàn thế giới (chủ yếu là ở Iraq, Afghanistan, Pakistan, Nigeria và Syria). Trong khi đó, mỗi năm, số người thiệt mạng do tai nạn giao thông là 80.000 người ở châu Âu, 40.000 người ở Mỹ, 270.000 người ở Trung Quốc và tổng số 1,25 triệu người trên thế giới.
Mỗi năm, tiểu đường và đường huyết cao gây tử vong tới 3,5 triệu người, còn ô nhiễm không khí gây tử vong khoảng 7 triệu người. Thế thì tại sao chúng ta lại sợ khủng bố hơn sợ đường và tại sao các chính phủ vẫn thất bại trong các cuộc bầu cử vì các cuộc tấn công khủng bố đâu đó mà không phải vì ô nhiễm không khí kinh niên?

Chúng reo rắc nỗi sợ hãi
Theo đúng nghĩa đen của từ này, chủ nghĩa khủng bố là một chiến lược quân sự hòng thay đổi tình thế chính trị bằng cách gieo rắc sự sợ hãi hơn là gây ra các tổn thất về vật chất. Chiến lược này gần như lúc nào cũng được các bên rất yếu, không thể giáng nhiều tổn thất vật chất vào kẻ thù của mình, áp dụng.
Dĩ nhiên, mọi hành động quân sự đều gieo rắc sợ hãi. Nhưng trong chiến tranh thông thường, sợ hãi chỉ là một “phụ phẩm” của các tổn thất vật chất và thường tỷ lệ thuận với lực lượng gây tổn thất. Trong khủng bố, sợ hãi là câu chuyện chính và có một sự bất cân xứng đáng kinh ngạc giữa sức mạnh thực sự của những kẻ khủng bố và nỗi sợ hãi chúng có thể được khơi dậy.
Không phải lúc nào cũng dễ thay đổi tình thế chính trị qua bạo lực. Vào ngày đầu của trận Somme, ngày 1 tháng Bảy năm 1916, 19.000 lính Anh đã tử trận và 40.000 lính khác bị thương. Đến khi trận chiến kết thúc vào tháng Mười một, cả hai phe có tổng cộng hơn một triệu người thương vong, trong đó 300.000 người thiệt mạng. Thế nhưng cuộc chiến khủng khiếp này gần như không thay đổi cán cân quyền lực ở châu Âu. Phải mất hai năm và hàng triệu thương vong nữa mới khép lại một điều gì đó.
So với trận Somme, chủ nghĩa khủng bố chỉ là muỗi.

Các cuộc tấn công ở Paris tháng Mười một năm 2015 giết chết 130 người, các cuộc đánh bom ở Brussels tháng Ba năm 2016 giết chết 32 người, cuộc đánh bom ở sân vận động Manchester tháng Năm năm 2017 giết chết 22 người. Vào năm 2002, ở đỉnh điểm chiến dịch khủng bố của Palestine nhằm vào Israel, khi các xe buýt và nhà hàng bị đánh bom hằng ngày, tổng số người chết là 451 người Israel. Cùng năm đó, 542 người Israel chết vì tai nạn xe hơi.
Một vài cuộc tấn công khủng bố, như cuộc đánh bom chuyến bay 103 của hãng Pan Am bay qua Lockerbie năm 1988, khiến vài trăm người thiệt mạng. Các cuộc tấn công ngày 11 tháng Chín lập một kỷ lục mới, giết chết gần 3.000 người.
Thế nhưng, ngay cả sự kiện đó cũng là vô cùng nhỏ bé so với chiến tranh thông thường. Nếu bạn cộng tất cả số người bị giết và bị thương ở châu Âu do các cuộc tấn công khủng bố từ năm 1945, bao gồm cả các nạn nhân của các nhóm chủ nghĩa quốc gia, tôn giáo, cánh tả và cánh hữu, con số tổng cộng sẽ vẫn thua xa thương vong của bất kỳ trận chiến mờ nhạt nào trong Thế chiến thứ nhất, như trận Aisne thứ ba (250.000 người) hay trận Isonzo thứ mười (225.000 người).
Chiến lược của bọn khủng bố
Thế thì làm thế nào bọn khủng bố có thể hy vọng đạt được gì nhiều nhặn? Sau một hành động khủng bố, kẻ thù tiếp tục có lượng lính tráng, xe tăng và tàu chiến y như trước. Mạng lưới thông tin, đường bộ và đường sắt gần như không bị tổn hại. Các nhà máy, bến cảng và căn cứ gần như không bị đụng tới. Thế nhưng, bọn khủng bố hy vọng rằng dù gần như không làm kẻ thù sứt mẻ chút nào về vật chất, nỗi sợ hãi và sự bối rối sẽ khiến kẻ thù lạm dụng sức mạnh chưa hề suy suyển của mình và phản ứng thái quá.
Bọn khủng bố tính toán rằng khi kẻ thù bị chọc tức sử dụng sức mạnh khổng lồ của mình chống lại chúng, kẻ thù sẽ khuấy động một cơn bão quân sự và chính trị dữ dội hơn rất nhiều những gì bản thân những kẻ khủng bố có thể tạo ra. Trong mỗi cơn bão, nhiều điều không lường trước sẽ xảy ra. Người ta sẽ mắc lỗi, hành động tàn bạo, dư luận ngả nghiêng, những người trung lập thay đổi lập trường và cán cân quyền lục dịch chuyển.

Do đó, bọn khủng bố giống một con ruồi cố phá hủy một tiệm đồ sứ. Con ruồi yếu đến nỗi không thể dịch chuyển dù chỉ một tách trà. Thế thì làm thế nào nó phá hủy dược tiệm đồ sứ đây? Nó kiếm một con bò mộng, chui vào tai bò và bắt dầu bay vo ve. Con bò phát rồ vì sợ hãi và tức giận, rồi phá tan tiệm dồ sứ. Đây chính là điều đã xảy ra sau vụ 11 tháng Chín, khi những kẻ Hồi giáo chính tông kích động con bò mộng Hoa Kỳ phá hủy tiệm đồ sứ Trung Đông. Giờ thì chúng “nở rộ” từ trong đống đổ nát.
Và thế giới này không thiếu gì những con bò nóng tính.
Trả lời