Các dòng điện thoại Nokia huyền thoại đang âm thầm quay trở lại thị trường smartphone, chúng được sản xuất bởi một công ty Phần Lan, được thành lập bởi các cựu giám đốc điều hành Nokia năm 2014. Nhưng triển vọng về một Nokia mới không chỉ có thế!
“Sampo hiện đại” ngừng xay
Cuối năm 2009, thị trường điện thoại thông minh của Nokia giảm từ 50% xuống còn 35% và 29% năm 2010. Trong vòng 3 năm, cổ phiếu còn giảm 70%. Từ vị trí thứ 17 (2007) trong danh sách 500 hãng lớn nhất trên thế giới, Nokia đã tụt xuống vị trí 21 (2010).
Để đưa Nokia thoát khỏi đà xuống dốc, năm 2010 Hội đồng quản trị của tập đoàn đã thay giám đốc điều hành Olli-Pekka Kallasvuo bằng Stephen Elop (người Canada). Nhưng, nhân vật được coi là sáng giá từ Microsoft không những không kìm giữ được đà suy giảm, mà trái lại còn đưa Nokia đến gần hơn với sụp đổ. Năm 2012 cổ phiếu của Nokia chỉ còn 1,37 euro. Giá trị của Nokia trên thị trường chỉ còn 5,1 tỉ euro, bằng lợi nhuận của Apple trong 62 ngày.
Trong năm 2012 Nokia bị lỗ 3,8 tỉ euro. Năm 2013, điện thoại Nokia bán ra chỉ chiếm 18% thị trường thế giới, đánh mất vị trí thống lĩnh thị trường điện thoại thế giới mà họ giữ trong vòng 12 năm liền (1998-2012) và hệ quả là vào năm này Nokia không còn có tên trong danh sách 50 Công ty lớn nhất thế giới.
Trước sự cạnh tranh khốc liệt của Iphone và Samsung, hệ điều hành mà Nokia sử dụng là Symbian đã trở nên già cỗi, tháng 2. 2011, Giám đốc điều hành mới là Stephen Elop đã quyết định sử dụng hệ điều hành Windows cho điện thoại Nokia. Nhưng sự thay đổi này không vực dậy được Nokia mà đưa ông hoàng Mobile Phone thế giới một thời đến chỗ bị xóa sổ. Cuối năm 2012 Nokia đã phải bán đại bản doanh của mình cho Exilion Capital Oy, rồi thuê lại nó.

Tháng 9.2014, Microsoft mua lại toàn bộ Nokia Mobile Phone, sau đó đổi logo trên đại bản doanh của Nokia ở Espoo thành Microsoft. Một cựu CEO của Nokia đã nhận xét: “Đi với Microsoft là một sai lầm khủng khiếp. Microsoft là một công ty không thích hợp” (D. Cord, 2014). Không ít người đã ví Stephen Elop như “the Trojan Horse” (con ngựa thành Troia) của Microsoft.
Báo chí Phần Lan còn cho rằng Stephen Elop là một “giám đốc tồi nhất thế giới vì mỗi ngày ông ta làm mất đi của Nokia 18 triệu euro” (Nykänen , 2015). Còn Alexander Stubb, trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình CNBC (Mỹ) khi đang là Thủ tướng Phần Lan (2014), lại kết tội Apple: “Apple đã giết chết Nokia và Ipad đã bức tử công nghiệp giấy Phần Lan”.

Sẽ là không đầy đủ nếu nói về Nokia mà không nhắc đến Jorma Ollila. Ollila gia nhập Nokia năm 1985 và năm 1990 bắt đầu phụ trách bộ phận Mobile Phone. Năm 1992 ông trở thành CEO ở tuổi 42 và đã dành 14 năm tiếp theo biến tầm nhìn của ông thành hiện thực, đưa Nokia thành ông hoàng của điện thoại di động thế giới và là công ty lớn nhất châu Âu.
Tháng 6 năm 2006 Ollila thôi giữ chức giám đốc điều hành khi Nokia đang ở đỉnh cao, chuyển sang làm chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn dầu lửa Shell, song vẫn giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị không chính thức của Nokia. Tuy nhiên, Jorma Ollila cũng góp phần quan trọng trong việc tiếp nhận Stephan Elop làm giám đốc điều hành Nokia và đưa “Cối xay thần Sampo” của Phần Lan đến chỗ ngừng quay.
3. Triển vọng về một Nokia mới
Ít người biết rằng bên cạnh Nokia Mobile Phone, Tập đoàn Nokia còn có Nokia Siemen Network (NSN) – một bộ phận chuyên về dịch vụ viễn thông liên doanh với Siemen, ra đời năm 2007. Mặc dù hoạt động khá thầm lặng và không được nhiều người để ý đến, nhưng năm 2007, NSN chiếm 13 tỉ trong tổng số 51 tỉ euro doanh thu của Tập đoàn Nokia và có tới 58.000 người làm việc (chiếm gần ½ nhân lực của Nokia lúc bấy giờ). Sau khi Nokia Mobile Phone thuộc về Microsoft, NSN vẫn tiếp tục hoạt động.
Năm 2013, Tập đoàn Nokia mua toàn bộ cổ phần của Siemen và thâu tóm NSN. Năm 2015, Nokia bán Here (dịch vụ bản đồ trực tuyến) cho ba tập đoàn sản xuất ô tô của Đức và đầu năm 2016, Nokia hoàn tất việc mua Alcatel-Lucent, một hãng viễn thông của Pháp, lập nên một Tập đoàn mới về công nghệ và dịch vụ mạng hàng đầu thế giới. Hiện nay Tập đoàn Nokia mới hoạt động trên năm mảng mà người không có chuyên môn sâu trong những lĩnh vực này khó có thể hiểu được hết là:
- Mobile Networks (Mạng di động)
- Fixed Networks (Mạng cố định)
- Applications & Analytics (Ứng dụng và Phân tích)
- IP/Optical Networks (Mạng IP/cáp quang)
- Nokia Technologies (Công nghệ Nokia)
với đội ngũ nhân lực 106.000 người.

Nokia mới kế thừa một di sản gồm 31.000 đăng ký sáng chế, và cơ sở thí nghiệm Bell Labs với tám giải Nobel (vốn thuộc về Alcatel-Lucent trước đây).
Điều này cho thấy một sự trở lại đang âm thầm xảy ra, đặc biệt là nhờ việc một lần nữa chuyển từ windows sang áp dụng hệ điều hành Android cho các mô hình mới.
Hiện nay, Nokia cũng đang sản xuất cáp sạc cho iPhone của Apple. Nokia mới đây đã giới thiệu Nokia P6302 – một combo củ cáp sạc dành riêng cho… iPhone.
Các hoạt động của Nokia cũng tập trung lại vào cơ sở hạ tầng di động, hoặc thậm chí là công nghệ 5G, một sự lựa chọn có thể phù hợp hơn, ít nhất trong khoảng thời gian này.
Trả lời