lịch sử nokia

Lịch sử Nokia – Tác động của Nokia đến Phần Lan

Lịch sử Nokia

Trong những thập niên bản lề của thế kỷ XX và thế kỷ XXI, hai tiếng Phần Lan gắn liền với Nokia. Song phần lớn chỉ biết đến Nokia là tên gọi của một thương hiệu điện thoại nổi tiếng với slogan “connecting people” mà không biết công ty bắt đầu từ một xưởng làm giấy vào năm 1865 do kỹ sư mỏ Fredrik Idestam thành lập ở Nokia, địa phương miền trung Phần Lan, cách Helsinki gần 200km về phía bắc.

Nhưng phải đến năm 1871 cái tên Nokia mới chính thức được dùng khi xưởng thứ hai ra đời bên bờ sông Nokia. Đến những năm 1920, Nokia sản xuất thêm dây cáp và các mặt hàng cao su. Vào những năm 1950, dự báo về tương lai của những sản phẩm này không sáng sủa lắm nên Björn Westerlund, giám đốc công ty lúc bấy giờ, đã xây dựng một bộ phận sản xuất điện tử trong nhà máy sản xuất cáp ở Helsinki.

Nokia từ xưởng làm giấy
Nhà máy Nokia năm 1865. Nokia ban đầu sản xuất lốp xe và ủng cao su

Cuối những năm 1970, Nokia liên doanh với hãng sản xuất tivi Salora của Phần Lan thành lập hãng Mobira, cùng liên doanh sản xuất điện thoại, tivi và máy vi tính. Bước sang đầu những năm 1980, với người lãnh đạo mới là Kari Kairamo, Nokia đã phát triển rất nhanh chóng: hoạt động trên 11 lĩnh vực khác nhau, có văn phòng ở 26 nước và chi nhánh sản xuất ở 9 nước trên thế giới.

Đầu thập niên 1980 Nokia cho ra đời hệ thống điện thoại quốc tế đầu tiên trên thế giới hoạt động trên mạng truyền thông di động Bắc Âu kết nối Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy và Phần Lan, mở đường cho sự ra đời chiếc điện thoại Mobira đầu tiên trên thế giới nặng khoảng 10kg.

Năm 1984, Nokia thâu tóm Salora và đổi tên của bộ phận viễn thông thành công ty Nokia-Mobira. Cùng năm đó một loại điện thoại để bàn đầu tiên mang tên Mobira Talkman ra đời, nặng khoảng 5kg. Ba năm sau, công ty cho ra đời chiếc điện thoại đặc đầu tiên với tên gọi Mobira Cityman 900, được coi là chiếc điện thoại di động cầm tay đầu tiên trên thế giới, nặng 800g, với giá 5.456 USD. Đây là chiếc điện thoại được Tổng thống Liên bang Xô Viết, Mikhail Gorbachev dùng để gọi từ Helsinki về Moskva trong cuộc họp báo tháng 10.1987 nên còn được gọi là “The Gorba”.

Tuy nhiên, đến cuối thập niên đó Nokia rơi vào khủng khoảng trầm trọng khiến Kairamo tự tử vào năm 1988. Sự xung đột trong nội bộ công ty đã đưa Nokia đến bờ vực thẳm và suýt bị hãng Ericsson “xóa sổ” vào những năm bản lề của thập kỷ 90.

Nhờ những người lãnh đạo mới là Casimir Ehrnrooth và nhất là Jorma Ollila (trở thành chủ tịch và giám đốc điều hành năm 1992, khi mới 42 tuổi) quyết định chuyển hướng chiến lược, từ bỏ các sản phẩm truyền thống, chỉ tập trung vào lĩnh vực điện thoại di động và viễn thông nên Nokia đã vượt qua tình trạng phá sản.

nokia 2
Sản phẩm lốp xe của Nokia

Năm 1991, cuộc gọi GSM đầu tiên trên thế giới do thủ tướng Phần Lan lúc bấy giờ là Harri Holkeri (1937-2011) thực hiện bằng điện thoại do Nokia sản xuất. Năm sau (1992) chiếc Nokia cầm tay dùng GSM đầu tiên – Nokia 1011 ra đời. Với sự chuyển hướng chiến lược này, những năm tiếp theo Nokia không ngừng lớn mạnh và nhanh chóng trở thành con chim đầu đàn trong lĩnh vực viễn thông của thế giới.

Năm 1994, Nokia cho ra đời loại điện thoại cầm tay Nokia 2100 với nhạc hiệu Nokia Tune bán ra 20 triệu chiếc trên khắp thế giới. Năm 1996, Nokia 9000 communicator ra đời cho phép gửi email, fax và truy cập internet, cùng với soạn thảo văn bản bằng chương trình word với giá 800USD. Đáng chú ý nhất là điện thoại Nokia 1100 ra đời năm 2003 đã bán được một con số cao kỷ lục: hơn 200 triệu chiếc trên khắp thế giới.

Từ năm 1998, Nokia đã soán ngôi vua điện thoại di động thế giới từ công ty Motorola (Mỹ) và chiếm giữ ngôi vị đó trong 10 năm liền. Cổ phiếu của Nokia tăng từ 33% (2005) lên 35% (2006). Cũng trong riêng năm 2006, Nokia cho ra đời 39 kiểu điện thoại khác nhau (Korch, 2014). Nokia chiếm 35% thị trường điện thoại châu Âu. Cuối năm 2007, Nokia chiếm tới 50% thị trường điện thoại thông minh trên thế giới (Korch, 2014).

Để thống lĩnh thị trường điện thoại di động thế giới, Nokia đã dành rất nhiều kinh phí cho nghiên cứu và phát triển. Năm 2006, Nokia chi tới 4 tỉ euro, tức 9,5% doanh số bán ra, khiến Nokia được coi là công ty tư nhân dành nhiều kinh phí nhất cho lĩnh vực này trên thế giới. Vào cuối năm 2006 có 21.453 người làm nghiên cứu và phát triển ở 11 nước khác nhau, chiếm 31% tổng số nhân lực của Nokia.

Trung tâm nghiên cứu của Nokia đã có 30.000 phát minh, sáng chế có đăng ký và Nokia không chỉ có nhiều bằng sáng chế nhất trong công nghiệp điện thoại mà còn được coi là hãng có những sáng chế tốt nhất.

Nokia là hãng điện thoại cầm tay đầu tiên đưa dịch vụ truyền tải dữ liệu, fax và tin nhắn vào điện thoại di động, đồng thời là hãng đầu tiên có ngôn ngữ châu Á, có thể thay đổi màn hình và sử dụng gợi ý từ khi gõ văn bản trên điện thoại. Nokia còn nổi tiếng với việc đưa trò chơi Snake vào điện thoại Nokia 6110 năm 1997.

Thành công lớn nhất của Nokia là lần đầu tiên đưa camera vào điện thoại di động, năm 2001. Năm năm sau, Nokia đã bán mỗi năm 100 triệu điện thoại có camera, trở thành hãng sản xuất loại điện thoại này lớn nhất thế giới và bán nhiều điện thoại có camera hơn các hãng máy ảnh truyền thống như Nikon và Canon.

Nokia đã thu hút một lực lượng nhân lực rất lớn không chỉ ở Phần Lan mà cả nhiều nước trên thế giới. Năm 1992 Nokia chỉ có 8.000 người. Mười năm sau (2002), số nhân công tăng lên 52.714 và năm 2008 có 125.829 người thuộc 122 quốc tịch khác nhau. Vào thời gian này có địa phương ở Phần Lan như Salo (cách Helsinki 60km về phía tây nam), nơi có nhà máy sản xuất của Nokia, cứ 10 người dân thì 1 người làm việc cho Nokia.

nokia 3
Ủng cao su Nokia

Tác động của Nokia đối với Phần Lan

Tác động của Nokia đối với Phần Lan tăng dần lên từ những năm 1990 đến những năm 2000. Nokia thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Phần Lan trong vòng hơn 15 năm. Năm 1995 Nokia chiếm 1.0% GDP của Phần Lan. Năm 1999 – 2002 chiếm 4,0% GDP và 3% xuất khẩu của Phần Lan. Năm 2007 với doanh thu 51 tỉ euro, lợi nhuận 7,1 tỉ, Nokia đóng góp 1,3 tỉ euro thuế cho Phần Lan, tức 23% tổng số thuế của cả nước và chiếm 1,5 tỉ trọng xuất khẩu của Phần Lan.

Nokia còn giúp tăng cường kỹ thuật công nghệ của Phần Lan cũng như nâng cao hình ảnh Phần Lan trên thế giới. Nhờ chất lượng các sản phẩm của Nokia mà Phần Lan được biết đến trên thế giới như là một đất nước có trình độ công nghệ tiên tiến. Nokia quan trọng đối với Phần Lan tới mức Jorma Ollila được chọn làm người đứng đầu Ủy ban Suomen maabrändi – “Thương hiệu Phần Lan” của nhà nước, thành lập năm 2010, nhằm xây dựng thương hiệu và quảng bá Phần Lan ra thế giới.

Không chỉ đóng góp cho nền kinh tế Phần Lan thêm vững mạnh mà Nokia còn có tác động lớn đối với đời sống văn hóa, xã hội Phần Lan. Rất nhiều quỹ văn hóa, nghệ thuật và từ thiện đầu tư vào Nokia và vững mạnh thêm từ việc đầu tư đó. Một trong những minh chứng đó là Hội văn học Thụy Điển của Phần Lan (SLS). Sự gia tăng giá trị cổ phiếu của Nokia đã đưa quy mô của SLS vượt cả Quỹ Nobel. Năm 1996 SLS chiếm 2,5 triệu cổ phiếu, tức 0,9% giá trị của Nokia.

Mối quan hệ giữa Nokia và nhà nước Phần Lan nhìn chung rất thân thiện và hiệu quả. Chính phủ Phần Lan đã có những chính sách khuyến khích, trợ giúp, còn người dân tin tưởng và trung thành với sản phẩm của Nokia. Ngược lại, Nokia đã giúp Phần Lan vượt qua thời kỳ khủng khoảng vào những năm 1990, giúp đào tạo rất nhiều nhà lãnh đạo, kinh doanh trên các lĩnh vực khác của Phần Lan. Nokia lớn mạnh nhanh chóng trong vòng hơn một thập kỷ một phần cũng nhờ những lợi thế từ nhà nước Phần Lan.

Esko Aho, cựu thủ tướng và thành viên hội đồng quản trị Nokia cho rằng: “Chính sách của chính phủ Phần Lan đã giúp Nokia bằng ba cách:

  • Các quỹ tài trợ cho nghiên cứu và phát triển
  • Sự hợp tác giữa Nokia và các trường đại học ở Phần Lan
  • Ưu đãi thuế.

Chính sách trung lập của Phần Lan đã tạo điều kiện thuận lợi cho Nokia dễ dàng có được chỗ đứng trong các nước thuộc các khối kình địch cũng như thế giới thứ ba trong thời chiến tranh lạnh, như: Tây Đức, Liên Xô và Ai Cập”.

>>Hitler: Thế giới chẳng tồn tại cho những dân tộc yếu hèn

>>Mao Trạch Đông nói gì khi cử đoàn cố vấn giúp Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

DMCA.com Protection Status