Mao Trạch Đông muốn tạ lỗi với Việt Nam

Mao Trạch Đông muốn tạ lỗi với Việt Nam thay tổ tông?

Trích Hồi kí của La Quý Ba

Bài viết “Mao Trạch Đông muốn tạ lỗi với Việt Nam thay tổ tông?” trích từ một phần nội dung Hồi kí của La Quý Ba, Trưởng đoàn cố vấn, đồng thời là đại sứ đầu tiên của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại nước ta khi đó là Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Nguyên bản bài viết mang đầu đề: “Mẫu mực sáng ngời của chủ nghĩa quốc tế vô sản“.

Tiêu đề “Mao Trạch Đông muốn tạ lỗi với Việt Nam thay tổ tông?” được đặt cho phù hợp với bố cục nội dung bài viết này, không phải một trang, chương hay một đề mục riêng trong Hồi kí gốc.

Độc giả xin chú ý:

  • Đại từ xưng hô “tôi” (nếu có) là tác giả La Quý Ba.
  •  Dương Danh Dy dịch và hiệu đính theo ấn bản 2002 của Nhà xuất bản Lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc (Bắc Kinh).
Hồ Chủ tịch với 4 lãnh tụ Trung Quốc
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông. Ảnh: Sohu

“Sáng hôm đó, Vi Quốc Thanh và hơn 20 cố vấn, thư ký, cơ yếu lên xe đến Di Niên đường trong Phong Trạch Viên Trung Nam Hải. Mọi người nhìn thấy trong kiến trúc kiểu cung điện mang phong cách truyền thống Trung Quốc này bày biện rất đơn giản. Trong phòng kê hai chiếc bàn dài, mấy chục cái ghế đẩu và ghế dài sắp thành nửa hình cánh cung quay về phía bàn. Mọi người chờ đợi một lát, Chu Đức và Lưu Thiếu Kỳ lần lượt bước vào.

Sau khi đồng chí Lưu Thiếu Kỳ lên tiếng mời mọi người ngồi xuống, đã đứng lên nói :

“Hôm nay mời các đồng chí đến đây là để nói đến vấn đề các đồng chí sang Việt Nam công tác. Lẽ ra, Mao Chủ tịch, Chu Thủ tướng cũng muốn đến gặp mặt các đồng chí.

Nhưng Triều Tiên đã đánh nhau, tình hình rất căng thẳng. Điều đó quan hệ đến vận mệnh của Triều Tiên, cũng quan hệ đến an ninh của đất nước chúng ta, cho nên Trung ương rất quan tâm đến tình hình này, bận lắm. Mấy hôm nay Chủ tịch rất vất vả. Chủ tịch làm việc đêm bây giờ đang ngủ, chúng tôi không đánh thức đồng chí. Chu Thủ tướng đang bận họp, cũng không thể đến được ”.

Lưu Thiếu Kỳ quay sang nói với Chu Đức, Tổng tư lệnh “Bác nói trước!”. đồng chí Chu Đức nói: “Đồng chí Lưu Thiếu Kỳ nói trước đi !”.

Lưu Thiếu Kỳ tiếp tục nói: “Trung ương cử các đồng chí sang Việt Nam là chấp hành một nhiệm vụ vô cùng khó khắn. Trung ương ra quyết định này là có lý do quan trọng. Đi thì có phiền phức, nhưng nếu chúng ta không đi giúp Việt Nam, để bọn xâm lược nằm lì ở đó, thì khó khăn của chúng ta sẽ lớn hơn, phiền phức cũng lớn hơn.

Hai ngàn năm trước Mã Viện của Trung Quốc, tức là tướng quân Phục Ba đã chinh phục Việt Nam. Còn ngày nay chúng ta sang Việt Nam, thì ý nghĩa hoàn toàn khác. Chúng ta đi giúp người ta giải phóng, là đi giúp nước anh em. Sau khi sang đó các đồng chí, phải giúp Việt Nam xây dựng quân đội chính quy, tiến hành tác chiến chính quy, và nhất định phải tổ chức đánh thắng trận”.

Lưu Thiếu Kỳ chỉ rõ: “Thời gian cách mạng Việt Nam thắng lợi sẽ không quá nhanh, tôi thấy cần ba năm chuẩn bị”.

Đồng chí còn đặc biệt dặn dò : “Phải chú ý làm tốt đoàn kết với các đồng chí Việt Nam.

Chúng ta không làm chủ quản cho họ, chỉ làm cố vấn. Có thể nêu ra nhiều biện pháp để người ta quyết định. Người ta cũng có thể không nghe ý kiến của anh. Nhưng nếu làm tốt quan hệ, thì lời nói của anh sẽ được áp dụng ”.

Tiếp đó Chu Đức nói chuyện trước tiên đồng chí nhấn mạnh: “Chúng ta là những người theo chủ nghĩa quốc tế, có trách nhiệm giúp đỡ Việt Nam. Đây sẽ là một nhiệm vụ lâu dài, gian khổ và phải bảo đảm bí mật. Cần phải coi đây là nhiệm vụ là nhiệm vụ quốc tế lớn lao, không được tiếc bất cứ thứ gì để giúp Việt Nam đến thắng lợi”.

Chu Đức chỉ ra: “Về hành động quân sự chúng ta phải thực sự cầu thị không được nóng vội. Nguyên tắc là có con người thế nào đánh thứ ấy. Cần phải biết đánh trận dũng cảm và lại khôn khéo, quan trọng nhất là khôn khéo”.

Chu Đức lại nêu rõ: “Tự lực cánh sinh là cái gốc của thắng lợi cách mạng nước ta. Dù thế nào chăng nữa cũng phải giúp Việt Nam xây dựng căn cứ địa vững chắc, kiên trì nguyên tắc tự lực cánh sinh. Các đồng chí sang Việt Nam công tác rất gian khổ, phải chuẩn bị tinh thần đó. Người cộng sản chúng ta, phải chịu đựng gian khổ, phải tính đến phấn đấu gian khổ lâu dài ”.

Mao Trạch Đông muốn tạ lỗi với Việt Nam
Chủ tịch Hồ Chí minh cùng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc

Chu Đức chưa kết thúc bài nói của mình thì đồng chí Mao Trạch Đông chậm rãi bước vào.

Mọi người đều đứng dậy vỗ tay. Lưu Thiếu Kỳ ra đón Mao Trạch Đông nói : “Mấy hôm nay đồng chí rất mệt, muốn để đồng chí ngủ thêm một lát, nên không đánh thức đồng chí”.

Mao Trạch Đông nói: “Chà! Không ngủ được”. Sau đó đồng chí bắt tay Vi Quốc Thanh, Mai Gia Sinh, Đặng Dật Phàm, rồi lại lần lượt bắt tay từng người và thân mật hỏi thăm tình hình tên tuổi, chức vụ, tuổi tác v.v…

Lưu Thiếu Kỳ mời Mao Trạch Đông nói chuyện. Mao Trạch Đông nói: “Các đồng chí đều nói cả rồi còn gì ? Tôi nói nữa sẽ trùng lặp”. Mọi người đều muốn Mao Chủ tịch cho chỉ thị.

Vì thế Mao Chủ tịch bảo mọi người ngồi xuống, bắt đầu nói. Mao Chủ tịch nói : “Không phải tôi muốn cử các đồng chí đi Việt Nam, mà là Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu tôi. Ai bảo cách mạng chúng ta thắng lợi trước, thì phải giúp đỡ người ta, đó gọi là chủ nghĩa quốc tế. Các đồng chí đến Việt Nam, trước hết phải giúp Việt Nam đánh thắng trận. Mở ra được một địa phương để tập trung quân đội, sau đó trận sẽ càng đánh càng lớn.

Việc đầu tiên sau khi các đồng chí đến Việt Nam là phải đoàn kết tốt với các đồng chí Việt Nam, đặc biệt là phải đoàn kết tốt với lãnh đạo Việt Nam. Phải chú ý không đoàn kết tốt, thì thà đừng làm việc còn hơn ”.

Sau khi kể chuyện lịch sử “Mã Viện đánh Giao Chỉ”, Mao Chủ tịch nói: “Trong lịch sử từ đời Hán trở đi, Trung Quốc đã từng ức hiếp Việt Nam. 80 năm trước chính phủ Mãn Thanh cắt nhượng Việt Nam cho Pháp. Dân tộc Việt Nam là một dân tộc tốt, bị nước ngoài cai trị và áp bức lâu dài, họ căm thù người Pháp, rất nhạy cảm đối với người nước ngoài. Các đồng chí có thể nói với các đồng chí Việt Nam. Tổ tông xưa của chúng tôi đã từng ức hiếp các đồng chí, chúng tôi tạ tội xin lỗi các đồng chí”.

Mao Chủ tịch nói tiếp: “Mấy năm gần đây tình hình cách mạng Việt Nam phát triển rất nhanh, thành tích rất tốt. Không nên coi thường người ta. Tôi biết cử các đồng chí đến một nơi gian khổ đối mặt với những nhiệm vụ rất nặng nề. Nếu mắc bệnh sốt rét có thể nguy hiểm, hy sinh. Phải chuẩn bị khác phục nhiều khó khăn, thực tế không chiều theo ý mình đâu.

Bao giờ các đồng chí có thể trở về? Đừng vội. Vân Nam, Quảng Tây có thể làm hậu phương. Các đồng chí đến Việt Nam, có thể thắng lợi dễ dàng, cũng có thể có khó khăn, nhưng cuối cùng nhất định phải thắng lợi. Chúng ta giúp người ta cần phải giúp cho tốt. Trước mặt quần chúng Việt Nam, không được biểu hiện tư tưởng kiêu ngạo chúng ta là người chiến thắng. Người ta đều biết thắng lợi của chúng ta không cần mình phải nói ra.

Đối với những khuyết điểm sai lầm của người ta, có thể nói cho họ biết, chúng tôi cũng có thất bại. Giới thiệu nhiều với họ bài học kinh nghiệm, ít nói “qua năm ải chém sáu tướng”. Trong quá trình giúp đỡ người ta, phải thường xuyên kiểm điểm lời nói và hành động của mình ….”.

Mao Chủ tịch còn nói : “Lần này cử đồng chí Vi Quốc Thanh làm Đoàn trưởng Đoàn cố vấn. Đáng lẽ ra để đồng chí đi công tác ở Liên Hợp Quốc, nhưng Liên Hợp Quốc bị Mỹ thao túng, không cho chúng ta vào. Sau này lại muốn để đồng chí đi làm đại sứ ở Anh, nhưng Anh lúc nào cũng lưỡng lự nước đôi đối với chúng ta, ở đó chỉ có thể hạ cấp.

Không cử đại sứ nữa. Thế là để đồng chí đi Việt Nam làm Đoàn trưởng Đoàn cố vấn.

Đồng chí đã đồng ý, như thế rất tốt, người cộng sản ở đâu cần thì đến đó, có thể đến nơi hoàn cảnh thoải mái cũng có thể đến nơi gian khổ… Hễ công việc yêu cầu thì các thứ khác đều không so đo. Điều này, các đồng chí phải học tập đồng chí Vi Quốc Thanh ”.

Cuối cùng, Mao Trạch Đông: “Chúc các đồng chí thắng lợi, mạnh khoẻ” để kết thúc cuộc nói chuyện.”

>>Trái ớt trong bữa cơm của Hồ Chủ tịch với 4 lãnh tụ Trung Quốc

Giúp đỡ của Trung Quốc đối với cuộc kháng chiến chống Pháp

Mao Trạch Đông muốn tạ lỗi với Việt Nam
Pháo phản lực 6 nòng 122 ly do Liên Xô sản xuất, được Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam vào những ngày cuối cùng của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp nói riêng, Trung Quốc là nước trực tiếp cử cố vấn quân sự sang giúp đỡ; viện trợ vũ khí, phương tiện chiến tranh, trang bị quân sự nhiều nhất cho Việt Nam. Viện trợ của Trung Quốc tập trung vào hai thời điểm có tính chất bước ngoặt của cuộc kháng chiến gồm:

  • Năm 1950 – chiến dịch Biên giới (những trận đánh nổi tiếng tiêu diệt binh đoàn Charton, binh đoàn Lepage Pháp tại Đông Khê, núi Cốc Xá…) khai thông biên giới, nối liền với các nước xã hội chủ nghĩa.
  • Năm 1954 – chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, buộc thực dân Pháp ký kết Hiệp định Geneva lập lại hòa bình ở Đông Dương và giải phóng miền Bắc Việt Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Trung Quốc đã viện trợ cho Việt Nam 4.136,8 tấn vũ khí đạn dược; 2.093 tấn quân giới, quân dụng; 10.504 tấn gạo, 62,8 tấn muối, 26.854 tấn xăng dầu, 30 chiếc ô tô vận tải.

Ngoài ra, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung Quốc còn cho quân đội ta mượn 144 chiếc ô tô phục vụ tác chiến. Trong đó, năm 1950, Trung Quốc viện trợ cho ta 3.983 tấn hàng, gồm 1.020 tấn vũ khí đạn (kể cả số vũ khí đạn các đơn vị Quân đội ta sang Trung Quốc huấn luyện và đem về nước), 161 tấn quân trang, 20 tấn thuốc và dụng cụ quân y, 71 tấn hàng quân giới, 2.634 tấn gạo và 30 xe vận tải.

Tài liệu phía Trung Quốc ghi chép :”Trong chiến tranh Việt Nam chống Pháp, Trung Quốc là nước duy nhất viện trợ số lớn quân sự không hoàn lại. Theo tài liệu hữu quan, Trung Quốc viện trợ cho quân đội nhân dân Việt Nam hơn 150.000 khẩu súng, hơn 3.000 khẩu pháo và số lớn đạn dược, xe cộ, quần áo, lương thực, thực phẩm phụ và đồ dùng hằng ngày khác như màn, khăn bông, bát tráng men…”

>>12 Cặp Đối Thủ Truyền Kiếp Trong Lịch Sử Châu Âu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

DMCA.com Protection Status