Trung Quốc vượt mặt Mexico trong xuất khẩu vào Mĩ
So sánh Mexico và Trung Quốc. Mexico nằm liền kề với nền kinh tế lớn nhất, hùng mạnh nhất thế giới. Nó đã kí một hiệp ước tự do thương mại với Mĩ và Canada vào các năm 1990 và ở tư thế bàn đạp sang Mĩ Latin của hai nền kinh tế khổng lồ kia. Và nó lại có tài nguyên thiên nhiên là dầu mỏ, chiếm đến hơn một phần ba thu nhập của chính phủ.
Trái lại, Trung Quốc cách đó hàng nghìn dặm, chịu gánh nặng của quá đông dân số, ít tài nguyên thiên nhiên, nhân công thạo việc nhất tập trung ở các vùng duyên hải, và với di sản nợ nần từ năm mươi năm của chủ nghĩa Cộng sản. Mười năm trước, nếu bạn chọn tên hai nước này và đưa cho ai đó hồ sơ của họ, anh ta chắc chắn đặt cược vào Mexico.
Thế mà Trung Quốc đánh bại Mexico để trở thành nước xuất khẩu lớn thứ hai vào Mĩ. Và có cảm giác chung, ngay cả giữa những người Mexico, là dù Trung Quốc cách xa Mĩ hàng ngàn dặm, nó ngày càng gần Mĩ hơn về mặt kinh tế, còn Mexico, ngay sát Mĩ, lại trở nên xa hàng ngàn dặm.

Chúng ta chưa hề gạch bỏ Mexico. Mexcico, khi có đủ thời gian, có thể sẽ trở thành con rùa chậm nhưng chắc đối với con thỏ Trung Quốc. Trung Quốc vẫn còn phải trải qua một chuyển đổi chính trị khổng lồ, việc có thể làm nó trật bánh bất kì lúc nào. Hơn thế nữa, Mexico có nhiều nhà khởi nghiệp có tính Trung Quốc như người Trung Quốc có máu kinh doanh nhất. Nếu không phải vậy Mexico không thể xuất khẩu với giá trị 138 tỉ đôla vào Mĩ năm 2003. Và có nhiều nông dân Trung Quốc không tiên tiến hay đạt sản lượng cao như nông dân Mexico.
Nhưng đặt trên bàn cân, khi bạn cộng tất cả những cái đó vào, Trung Quốc đã trở thành thỏ chứ không phải Mexico, cho dù dường như Mexico xuất phát với nhiều lợi thế tự nhiên hơn khi thế giới bắt đầu phẳng dần. Tại sao?
Vậy thì tại sao?
Đó là câu hỏi mà bản thân người Mexico đặt ra. “Chúng tôi bị kẹt giữa Ấn Độ và Trung Quốc”, Jorge Castaneda, cựu bộ trưởng ngoại giao Mexico, nói năm 2004. “Rất khó cho chúng tôi để cạnh tranh với người Trung Quốc, trừ các ngành giá trị gia tăng cao. Nơi chúng tôi có thể cạnh tranh, trong khu vực dịch vụ, chúng tôi lại bị người Ấn Độ đánh bằng các back office và call center của họ.”
Chính trị
Không nghi ngờ gì Trung Quốc được hưởng lợi ở mức độ nào đó từ việc nó vẫn có một hệ thống độc đoán có thể đè bẹp các giới đặc lợi và các tập quán cổ xưa. Giới lãnh đạo Bắc Kinh có thể ra lệnh nhiều cải cách từ trên xuống, cho dù là để xây dựng một con đường mới hay gia nhập WTO. Nhưng ngày nay Trung Quốc cũng có những cái vô hình tốt hơn – một khả năng tập hợp và tập trung các nguồn lực địa phương cho cải tổ bán lẻ.
Trung Quốc có thể là một nhà nước độc đoán, nhưng tuy thế nó lại có những thể chế nhà nước mạnh và một bộ máy quan liêu có khả năng cất nhắc nhiều người trên cơ sở tài năng lên các vị trí then chốt có quyền quyết định, và nó cũng có một tinh thần cộng đồng nhất định. Truyền thống Nho giáo cất nhắc các quan chức nhận thức được vai trò của mình là thúc đẩy và bảo vệ các quyền lợi của nhà nước vẫn còn sống động mạnh mẽ ở Trung Quốc.
“Trung Quốc có truyền thống coi trọng tài năng [meritocracy] – truyền thống cũng có ở Hàn Quốc và Nhật Bản,” Francis Fukuyama, tác giả của cuốn sách kinh điển The End of History and the Last Man, viết. “Tất cả các nước này đều có một ý thức cơ bản về ‘tính nhà nước’ nơi [các công bộc] được trông chờ biết cách nhìn xa trông rộng vì lợi ích của nhà nước” và được hệ thống tưởng thưởng vì làm như vậy.
Ngược lại, Mexico vào các năm 1990 chuyển từ một nhà nước độc đảng về cơ bản độc đoán sang một nền dân chủ đa đảng. Như thế đúng khi Mexico cần dồn toàn bộ ý chí và nguồn lực của mình cho cải tổ bán lẻ ở mức vi mô, nó phải trải qua quá trình dân chủ xây dựng thể chế chậm hơn, tuy chính danh hơn. Nói cách khác, mỗi tổng thống Mexico muốn thay đổi phải tập hợp nhiều nhóm lợi ích hơn rất nhiều – như chăn lũ mèo – để tiến hành một cải cách, hơn là những người tiền nhiệm của mình có thể thực hiện điều đó bằng sắc lệnh.
Các nhóm lợi ích đó, dù là các nghiệp đoàn hay bọn đầu sỏ, có các đặc lợi mạnh trong nguyên trạng và có sức mạnh để bóp nghẹt các cải cách. Và hệ thống nhà nước Mexico, cũng giống của rất nhiều nước Mĩ Latin láng giềng, có một lịch sử dài chỉ đơn thuần là công cụ đỡ đầu cho đảng cầm quyền hoặc các quyền lợi địa phương, chứ không phải quyền lợi quốc gia.
Văn hoá
Một thứ vô hình khác là nền văn hóa của bạn quý trọng giáo dục đến đâu. Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều có một truyền thống lâu đời là cha mẹ nói với con cái mình rằng điều tốt đẹp nhất mà chúng có thể làm trong đời là trở thành kĩ sư hoặc bác sĩ. Còn ở Mexico việc xây trường học để biến điều đó thành sự thật đơn giản chưa được làm. Hiện nay Ấn Độ và Trung Quốc đều có hơn năm mươi nghìn sinh viên học tập ở Mĩ. Họ đến từ cách đó mười hai múi giờ. Mexico, nhỏ hơn nhưng ở liền kề, chỉ có khoảng mười nghìn.
Mexico ở sát nền kinh tế lớn nhất, nói tiếng Anh. Nhưng Mexico không hề thực hiện chương trình cấp tốc để dạy tiếng Anh hoặc đầu tư cấp học bổng để gửi nhiều sinh viên Mexico hơn đến Mĩ để học.
Có một “đứt gãy”, Tổng thống Zedillo nói, trong hệ thống chính trị Mexico, các thử thách của toàn cầu hóa, và mức độ mà mỗi người giáo dục và hướng dẫn dân chúng Mexico cho nhiệm vụ đó. Bạn phải đợi lâu để thấy sinh viên Mexico áp đảo trong chương trình cao học khoa học hay toán học ở một trường đại học Mĩ, theo cách mà sinh viên Trung Quốc và Ấn Độ vẫn đang áp đảo.
>>Tại sao Trung Quốc tích cực mang giống cây trồng lên Vũ Trụ?
Mexico thất bại trong cải tổ bán lẻ
Chính phủ của Tổng thống Vicente Fox đã định ra năm khu vực về cải tổ bán lẻ để khiến nền kinh tế Mexico có năng suất và linh hoạt hơn:
- Cải cách thị trường lao động để khiến việc thuê và sa thải nhân công đơn giản,
- Cải cách tư pháp để các tòa án Mexico bớt tham nhũng và bớt thất thường hơn,
- Cải cách bầu cử và hiến pháp để hợp lí hóa nền chính trị,
- Cải cách thu thuế để cải thiện tình hình thu thuế ảm đạm,
- Cải cách năng lượng để mở cửa các thị trường năng lượng và điện lực cho các nhà đầu tư nước ngoài, để Mexico, một nước sản xuất dầu mỏ quan trọng, thoát khỏi sự trói buộc kì quặc là phải nhập khẩu một số gas tự nhiên và dầu lửa từ Mĩ.
Song phần lớn các ý tưởng đó đã bị nghị viện Mexico chặn đứng.

Chỉ nhìn vào Mexico và Trung Quốc sẽ rất dễ để kết luận, dân chủ có thể là một trở ngại cho cải tổ bán lẻ. Tôi nghĩ kết luận như thế là quá sớm. Có nhiều nền dân chủ may mắn có các nhà lãnh đạo có khả năng bán hàng và khiến người dân của mình chú trọng vào cải tổ bán lẻ – Margaret Thatcher ở Anh chẳng hạn – và có các nền dân chủ buông trôi trong thời gian dài mà không chịu hậu quả – thí dụ Đức hiện đại.
Có các chính thể độc đoán thực sự tập trung – Trung Quốc hiện đại – và có các nơi khác chỉ trôi dạt vu vơ, không muốn thực sự tập hợp người dân của mình vì các nhà lãnh đạo ít chính danh đến độ sợ gây ra bất cứ đau đớn nào – Zimbabwe.
Tổng thống Zedillo nói, Mexico và châu Mĩ Latin nói chung có “tiềm năng tuyệt vời”. “Ba mươi năm trước Mĩ Latin vượt trên tất cả, nhưng trong vòng hai mươi lăm năm qua về cơ bản chúng tôi đã đình trệ và các nước khác đã tiến gần, thậm chí vượt qua. Các hệ thống chính trị của chúng tôi không có khả năng xử lí, du nhập và thực hiện các tư tưởng [cải tổ bán lẻ]. Chúng tôi vẫn còn bàn cãi về tiền sử. Những thứ được coi là hiển nhiên ở mọi nơi vẫn bị đưa ra thảo luận ở đây, như thể chúng tôi vẫn sống ở các năm 1960.
Cho đến bây giờ bạn không thể nói một cách thẳng thắn là có một nền kinh tế thị trường ở Mĩ Latin.” Trung Quốc tiến lên mỗi tháng, Zedillo nói, “còn chúng tôi mất hàng năm trời để quyết định các cải cách sơ đẳng mà nhu cầu là cực kì khẩn thiết đối với mỗi người. Chúng tôi không có sức cạnh tranh vì chúng tôi không có cơ sở hạ tầng; bạn cần người dân đóng thuế. Kể từ khi kí kết NAFTA đến giờ có bao nhiêu đường cao tốc mới được xây dựng để nối Mexico với Mĩ? [Hầu như không có cái nào].
Nhiều người được hưởng tiền chi tiêu của chính phủ lại không đóng thuế. Cách duy nhất mà chính phủ có được là bắt người dân đóng thuế cao hơn, [nhưng] khi đó chủ nghĩa dân túy sẽ phát triển và giết chết nó.”
Gần đây một tờ báo Mexico đăng một câu chuyện về hãng giày Converse làm giày tennis ở Trung Quốc, sử dụng keo dán Mexico. “Toàn bộ bài báo là về chuyện tại sao chúng ta lại cung cấp keo dán cho họ,” Zedillo nói, “khi mà thái độ đúng đắn nhẽ ra phải là chúng ta có thể bán bao nhiêu keo dán nữa cho họ? Chúng tôi vẫn còn phải phá bỏ một số rào cản ý thức.”
Không phải là Mexico đã thất bại về hiện đại hóa các ngành xuất khẩu của mình. Nó đã để mất sân vào tay Trung Quốc chủ yếu vì Trung Quốc đã thay đổi còn nhanh hơn và ở phạm vi rộng hơn, đặc biệt là trong việc đào tạo nhân công lành nghề.
Một nhà tư vấn kinh doanh, Daniel H. Rosen, chỉ ra trong một tiểu luận đăng trên tờ The International Economy (mùa xuân năm 2003), cả Mexico và Trung Quốc đều có thị phần tăng lên trong tổng xuất khẩu toàn thế giới về nhiều lĩnh vực giống nhau vào các năm bùng nổ kinh tế 1990 – từ phụ tùng ôtô, điện tử cho đến đồ chơi và sản phẩm thể thao – nhưng thị phần của Trung Quốc tăng nhanh hơn.
Điều này không chỉ vì cái Trung Quốc làm là đúng mà vì cái Mexico làm là sai, điều không hẳn là làm xói mòn khả năng cạnh tranh của nó với các cải cách vi mô.Điều mà Mexico đã thành công là tạo ra được các hòn đảo cạnh tranh tốt, chẳng hạn như Monterrey, nơi thực hiện rất đúng cách và có được lợi thế ở ngay sát Mĩ, nhưng chính phủ Mexico chưa bao giờ có một chiến lược nhằm hoà các đảo đó vào phần còn lại của đất nước.
Điều này giúp giải thích vì sao từ 1996 đến 2002, thứ hạng của Mexico trong Báo cáo về sức cạnh tranh toàn cầu đã rớt trong khi thứ hạng của Trung Quốc lại tăng lên. Và điều đó không chỉ vì nhân công rẻ, Rosen nói. Đó là vì Trung Quốc có lợi thế trong giáo dục, tư nhân hóa, cơ sở hạ tầng, quản lí chất lượng, quản lí ở cấp trung, và đưa công nghệ mới vào.
“Vì thế Trung Quốc sẽ ăn bữa trưa của Mexico,” Rosen kết luận, “nhưng điều đó do sự bất lực của Mexico để lợi dụng các thành công và tiến hành đổi mới ở diện rộng hơn là việc Trung Quốc có nhân công giá rẻ.” Nói cách khác, đó là cải tổ bán lẻ, n.g.u đần.
Theo báo cáo Doing Business in 2005, trung bình mất năm mươi tám ngày để mở một công ty ở Mexico, so với tám ngày ở Singapore và chín ngày ở Thổ Nhĩ Kì. Mất bảy mươi tư ngày để đăng kí một tài sản ở Mexico, nhưng chỉ mất mười hai ngày ở Mĩ. Thuế thu nhập doanh nghiệp ở Mexico là 34%, gấp đôi mức ở Trung Quốc.
Báo cáo “Ngoài lao động rẻ” của McKinsey Quarterly cho biết kể từ năm 2000, khi Trung Quốc gia nhập WTO và bắt đầu có lợi thế trong quá trình phẳng hóa thế giới, Mexico mất 270.000 nhân công trong các dây chuyền sản xuất, và hàng trăm nhà máy phải đóng cửa.
Nhưng lời khuyên chính mà báo cáo đưa ra cho Mexico và các nước có thu nhập hạng trung bình, bị Trung Quốc chen lấn, lại là: “Thay vì cố tạo ra các việc làm bị mất vì Trung Quốc, các nước đó nên nhớ đến một thực tế của đời sống kinh tế: không nơi nào có thể mãi mãi là nhà sản xuất giá rẻ của thế giới – ngay cả Trung Quốc cũng sẽ mất danh hiệu này một ngày nào đó.
Thay cho cố bảo vệ các việc làm dây chuyền lương thấp, Mexico và các nước có thu nhập trung bình nên chú trọng tạo ra các việc làm có giá trị gia tăng cao hơn. Chỉ khi các công ty có năng xuất cao với các hoạt động có giá trị gia tăng cao thay thế các công ty năng suất kém hơn thì các nước có thu nhập trung bình mới có thể tiếp tục được lộ trình phát triển của mình.”
Nói ngắn gọn, cách duy nhất cho Mexico phồn vinh là một chiến lược cải tổ bán lẻ có khả năng đánh bại Trung Quốc ở trên đỉnh, chứ không phải ở đáy, bởi vì Trung Quốc không chú trọng đánh bại Mexico bằng đánh bại Mĩ. Nhưng chiến thắng trong kiểu chạy đua đến đỉnh cao đó cần đến tiêu điểm và ý chí vô hình.
Bạn không thể duy trì các tiêu chuẩn sống tăng lên trong một thế giới đang phẳng khi bạn đương đầu với các đối thủ cạnh tranh không chỉ có các nền tảng đúng đắn mà còn có những điều vô hình tốt nữa. Trung Quốc không chỉ muốn giàu. Trung Quốc còn muốn hùng mạnh. Trung Quốc không chỉ muốn học cách làm ra các ôtô GM. Trung Quốc muốn trở thành GM và đánh bật GM khỏi thị trường. Bất kì ai nghi ngờ điều đó phải dành thời gian với các thanh niên Trung Quốc.

Luis Rubio, chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Mexico, nói, “bạn càng tự tin thì các huyền thoại và mặc cảm của bạn càng giảm xuống. Một trong những điều lớn lao của Mexico trong các năm đầu thập kỉ 1990 là người Mexico thấy mình có thể làm được, thực hiện được điều đó.” Tuy vậy, rất nhiều sự tự tin đó đã bị mất đi trong các năm gần đây, vì chính phủ đã ngừng không cải cách nữa.
“Thiếu tự tin sẽ đưa một đất nước đến chỗ ngồi nhấm nháp quá khứ của mình,” Rubio nói thêm. “Thiếu tự tin [ở Mexico] có nghĩa là mọi người ở nước này đều nghĩ Mĩ sẽ biến Mexico thành những người lao công.” Đó là vì sao NAFTA quan trọng đến vậy cho sự tự tin của Mexico. “Điều NAFTA làm là khiến Mexico nghĩ về phía trước và hướng ra thay cho nghĩ hướng vào và lùi. [Nhưng] NAFTA được [các nhà kiến tạo ra nó] coi là một kết quả hơn là một sự bắt đầu.
Nó được coi là kết thúc của một tiến trình cải cách chính trị và kinh tế. “Thật không may,” ông nói thêm, “Mexico không có một chiến lược để tiến lên phía trước.”
Từ lâu Will Rogers từng nói: “Ngay cả khi bạn ở trên con đường đúng đắn, bạn sẽ bị vượt qua nếu bạn chỉ ngồi ở đó.” Thế giới càng phẳng thì điều đó càng xảy ra nhanh hơn. Mexico từng đi đúng đường ở giai đoạn cải tổ bán buôn, nhưng sau đó, vì nhiều lí do hữu hình và vô hình, nó đã chỉ ngồi đó và quá trình cải tổ bán lẻ bị ngừng. Mexico càng ngồi đó lâu thì nó càng bị vượt qua nhiều hơn. Và Mexico không phải là nước duy nhất.
Trả lời